Theo thông tin từ Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, Đoàn kiểm tra liên ngành số 2 do Đội Quản lý thị trường số 17 chủ trì vừa phát hiện và thu giữ 2.650 đôi giày không có nguồn gốc xuất xứ.
Ông Trần Hoàng Dương, Phó Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 17, ngày 26/9, Đoàn kiểm tra liên ngành bất ngờ kiểm tra kho hàng tại số 41 ngách 214/55 Nguyễn Xiển (Thanh Trì, Hà Nội) và phát hiện số lượng lớn đôi giày không có nguồn gốc xuất xứ.
Trong số mặt hàng thu giữ có nhiều đôi mang nhãn hiệu Nike. Tại thời điểm kiểm tra, chủ lô hàng không xuất trình được giấy tờ, hóa đơn chứng minh nguồn gốc hợp pháp.
Qua đấu tranh khai thác, bước đầu lực lượng chức năng xác định được chủ lô hàng là Lin Yao Xiang (quốc tịch Trung Quốc). Lin Yao Xiang khai nhận: Số hàng được mua trôi nổi trên thị trường, rồi tập trung vào kho để chuẩn bị bán ra thị trường. Hiện lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản và tạm giữ số tang vật trên tại kho tạm giữ hàng hóa vi phạm của Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội.
Đối với những đôi giày làm giả nhãn hiệu đã được bảo hộ thương hiệu tại Việt Nam, cơ quan chức năng sẽ sớm điều tra, xác minh, làm thủ tục tiêu hủy theo quy định.
Trong diễn biến có liên quan, vào tháng 8/2017, Đội Quản lý thị trường lưu động tỉnh Gia Lai đã tịch thu số hàng vi phạm trên với tổng số tiền thu nộp ngân sách là hơn 337 triệu đồng, đồng thời tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm.
Đội Quản lý thị trường lưu động thuộc Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai cũng đã đồng loạt kiểm tra đột xuất 8 cơ sở kinh doanh trên địa bàn TP Pleiku và phát hiện hàng ngàn sản phẩm giả mạo nhãn hiệu.
Tất cả các cơ sở kinh doanh đều trên địa bàn TP Pleiku. Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra đã tạm giữ tổng cộng 4.444 sản phẩm mang nhãn hiệu Adidas, 766 sản phẩm mang nhãn hiệu NIKE, 159 sản phẩm mang nhãn hiệu LEVI’S, 170 sản phẩm mang nhãn hiệu Blue Exchange.
Qua nhận biết ban đầu, lực lượng chức năng xác định toàn bộ hàng hóa nêu trên có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam và hơn 2.000 sản phẩm quần, áo, tất nhập lậu, không cung cấp được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Đại diện chủ thể các nhãn hiệu trên đã xác định toàn bộ sản phẩm đang tạm giữ là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu được quy định theo Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, được sửa đổi bổ sung năm 2009. Đội Quản lý thị trường lưu động đã hoàn chỉnh hồ sơ chuyển cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính 8 cơ sở kinh doanh với các hành vi: Bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, kinh doanh hàng hóa nhập lậu và kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
0 nhận xét :
Đăng nhận xét