Năm 2018, gian lận thương mại, hàng giả có xu hướng gia tăng

Theo nhận định của Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội, năm 2018, các hành vi gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng có xu hướng gia tăng.
Nhiều vụ gian lận thương mại và hàng giả bị phát hiện

Năm 2017, Ban chỉ đạo 389 TP. Hà Nội đã tích cực, chủ động trong điều hành, chỉ đạo các sở, ngành thành viên, các quận, huyện, thị xã thực hiện công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đạt hiệu quả cao, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động nhưng cũng xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.
Đồng thời, không để xảy ra các vấn đề nhạy cảm, điểm nóng gây bức xúc dư luận, đặc biệt là các dịp tết Trung thu, tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, mùa Lễ hội,... tạo sự ổn định và phát triển của thị trường, bình ổn giá cả, đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng.



Một lô hàng phụ kiện điện thoại, tai nghe 'dởm' bị thu giữ. Ảnh: Truyền hình Thái Nguyên 

Kết quả, trong năm 2017, lực lượng chức năng trên địa bàn  TP. Hà Nội  đã phát hiện, xử lý 26.143 vụ vi phạm (trong đó: 3.241 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu; 21.086 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế; 1.816 vụ hàng giả); thu ngân sách nhà nước 3.954 tỷ 246 triệu đồng (trong đó: phạt vi phạm hành chính 941 tỷ 700 triệu đồng; phạt bổ sung, truy thu thuế 3.007 tỷ 826 triệu đồng; bán hàng tịch thu 04 tỷ 720 triệu đồng); khởi tố 91 vụ/118 đối tượng.

Ngay tháng đầu tiên của năm 2018, Đội Quản lý thị trường số 1 thuộc Chi cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã phối hợp với Đội Cảnh sát giao thông số 14 (Công an thành phố Hà Nội) cũng đã dừng và khám phương tiện vận tải xe ô tô biển kiểm soát số 34C - 166.84, do ông Đinh Văn Nhu sinh năm 1981, địa chỉ Xã Cộng Hòa - Huyện Nam Sách - Tỉnh Hải Dương điều khiển.

Kết quả khám hàng hóa vận chuyển trên xe gồm có: Phụ kiện điện thoại gồm 1.900 bộ xạc, 1.700 củ sạc điện thoại, 2.900 cục pin điện thoại, 1.300 pin máy tính latop, tai nghe, 1.300 chiếc loa mini, âm ly, miếng dán màn hình điện thoại, 1.700 chiếc ốp điện thoại, đèn gầm ô tô, quạt cây, động cơ gió, máy sấy giầy (không nhãn – theo lời khai của lái xe) và nhiều phụ kiện khác. Toàn bộ hàng hóa do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc.

Đội Quản lý thị trường số 1 đã tạm giữ toàn bộ hàng hóa trên xe, phương tiện, giấy tờ phương tiện để tiếp tục xác minh và xử lý theo qui định của pháp luật. Ước tính trị giá hàng hóa khoảng gần 2 tỷ đồng.

Gần đây nhất, vào ngày 22/1/2018, lực lượng Quản lý thị trường TP Hà Nội đã tiến hành kiểm tra hộ kinh doanh của bà Nguyễn Thị Ngọc Mai ở phố Phạm Ngọc Thạch, quận Đống Đa, Hà Nội, phát hiện hành vi kinh doanh thực phẩm  và các loại đồ uống là hàng lậu. Qua kiểm tra, đơn vị chức năng tạm giữ 312 chai rượu các loại, 2.400 chai nước ngọt Cocacola 300ml, 50 kg đùi gà đông lạnh. Tổng trị giá hàng vi phạm lên đến 97.000.000 đồng.

Hàng giả, hàng kém chất lượng có xu hướng gia tăng

Theo nhận định của Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội, năm 2018, hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp yêu cầu công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn Thành phố cần có giải pháp cụ thể, hiệu quả, thiết thực và quyết liệt nhằm góp phần ổn định thị trường và an sinh xã hội.

Vì vậy, trong kế hoạch đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2018, Hà Nội sẽ tăng cường công tác điều tra, thu thập thông tin, nắm bắt tình hình thị trường; kiểm tra, kiên quyết xử lý, nâng cao hiệu quả đấu tranh đối với các đối tượng hoạt động chuyên nghiệp, hình thành đường dây, ổ nhóm, nơi phát luồng hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng; các kho tàng, bến bãi, tuyến giao thông trọng điểm.

Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, sự phối hợp các ngành, các cấp và ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, chất lượng, hiệu quả trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ trong các lực lượng chức năng.

Thông qua công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, phát hiện các sơ hở trong cơ chế chính sách pháp luật, bất cập trong công tác quản lý mà các đối tượng lợi dụng để buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; kịp thời kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tế.

Cụ thể, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực phụ trách và địa bàn quản lý, yêu cầu các sở, ngành Thành phố và Ban Chỉ đạo 389 các quận, huyện, thị xã xây dựng Kế hoạch triển khai công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2018. Trong đó, nêu rõ những giải pháp để khắc phục những tồn tại năm 2017 và đề ra phương hướng cụ thể để triển khai các nhiệm vụ năm 2018.

Chủ động xây dựng các kế hoạch, phương án kiểm tra, kiểm soát đảm bảo bám sát diễn biến tình hình thực tế, xác định rõ tuyến, địa bàn, lĩnh vực, phương thức thủ đoạn hoạt động, đối tượng trọng điểm và nhóm các mặt hàng cần tập trung kiểm tra, kiểm soát. Trước mắt đẩy mạnh đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng cấm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.

Về mặt hàng, chú trọng kiểm tra, kiểm soát các lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm tác động lớn đến kinh tế - xã hội, đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt là nhóm hàng cấm (ma túy, vật liệu nổ, pháo, tài liệu phản động, động vật, thực vật hoang dã, vàng, ngoại tệ, máy móc thiết bị đã qua sử dụng);

Các mặt hàng có thuế suất cao, thuế tiêu thụ đặc biệt, hàng ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế (thuốc lá, rượu, xăng dầu); các mặt hàng tiêu dùng là hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng ảnh hưởng tới sức khỏe, đời sống nhân dân, ảnh hưởng đến sản xuất, môi trường (thực phẩm, tân dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm, chất cấm trong chế biến thực phẩm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, hóa chất và các loại chất cấm trong thức ăn chăn nuôi…).


Về địa bàn, tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, kiểm soát thường xuyên các tuyến đường từ khu vực biên giới phía Bắc và các tỉnh lân cận về Hà Nội; đường hàng không, đường thủy... các chợ đầu mối, trung tâm thương mại; các kho tàng, bến bãi, đặc biệt là các địa bàn trọng điểm như: chợ Đồng Xuân (Hoàn Kiếm), chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm), chợ Hòa Bình (Hai Bà Trưng), ga Hà Nội, ga Gia Lâm, sân bay quốc tế Nội Bài... nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượngvà các hành vi gian lận thương mại.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét :

Đăng nhận xét