Đồ chơi trẻ em khi ra thị trường phải đảm bảo đủ ‘chuẩn’
Theo cục quản lý Chất lượng sản phẩm thì mặt hàng đồ chơi trẻ em chính là mặt hàng thiết yếu của trẻ nhỏ. Đặc biệt là trong các dịp lễ như 1/6 hay trung thu. Qua thực tế khảo sát thì những loại đồ chơi này có ảnh hưởng tác động đến sức khỏe và sự phát triển trí tuệ của trẻ. Nếu được sử dụng đồ chơi tốt sẽ giúp tăng cường thể lực và sự khéo léo, từ đó có khả năng tư duy và sáng tạo hơn.
Là mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa nhóm 2 (hàng hóa có khả năng gây mất an toàn) do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý, các yếu tố an toàn của đồ chơi trẻ em đã được quy định đầy đủ, chặt chẽ trong các văn bản, các quy chuẩn kỹ thuật; Và theo Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, đồ chơi trẻ em trong sản xuất, lưu thông, nhập khẩu và sử dụng đều phải được kiểm tra, chứng nhận hợp quy.
Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay thì bên cạnh những đồ chơi phù hợp quy chuẩn, đảm bảo chất lượng vẫn còn những loại đồ chơi mang tính bạo lực, không an toàn cho trẻ là vấn đề các bậc phụ huynh quan tâm. Qua những đợt kiểm tra, thanh tra trước đây, các đồ chơi không đảm bảo chủ yếu có xuất xứ từ Trung quốc, thông qua các con đường nhập khẩu tiểu ngạch để vào Việt Nam.
Đồ chơi trẻ em lưu thông ngoài thị trường phải đảm bảo 'chuẩn' về nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng, độ an toàn. Ảnh: Hoàng Dương
Nhiều loại đồ chơi được sản xuất đa dạng và phù hợp. Với tâm lý và nhu cầu trẻ em thì có nhiều loại mẫu mã và giá thành khác nhau. Đây chính là một trong những sự lựa chọn của phụ huynh và trẻ nhỏ.
Chính vì vậy, trong các thời điểm cao điểm như tết Trung thu các mặt hàng đồ chơi trẻ em chưa được chứng nhận hợp quy, đảm bảo chất lượng vẫn ồ ạt được tung ra thị trường. Do đó công tác kiểm tra, thanh tra là rất quan trọng nhằm kiểm soát, hạn chế và ngăn chặn những đồ chơi độc hại, nguy hiểm được mua, bán và sử dụng.
Hiện nay, đồ chơi trẻ em được bán tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng kinh doanh đồ chơi trẻ em, bày bán riêng lẻ hoặc xen lẫn các mặt hàng khác tại cửa hàng văn phòng phẩm, tạp hoá, xe đẩy bán hàng rong…. Do vậy việc thanh tra, kiểm tra cần có những kế hoạch cụ thể để đạt hiệu quả, ngăn ngừa tối đa số lượng sản phẩm đồ chơi trẻ em không phù hợp được bán ra thị trường. Cũng từ việc thanh tra, kiểm tra hàng hóa đồ chơi trẻ em lưu thông, khi phát hiện sản phẩm không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật, nhãn hàng hóa, cơ quan chuyên môn sẽ kiểm tra các đơn vị sản xuất có dấu hiệu vi phạm, và ngược lại từ công tác kiểm tra sản xuất nếu phát hiện sẽ xử lý và kiểm tra trong lưu thông.
Cần sự chung tay từ nhiều bộ ngành
Cũng theo ông Trần Quốc Tuấn, thời gian qua, Cục QLCLSPHH đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra chất lượng sản phẩm đồ chơi trẻ em trên thị trường. Kể từ thời điểm Tết Trung thu năm 2017, đơn vị đã chủ trì, phối hợp kiểm tra tại 03 thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh. Qua các đợt, có tổng số 29 cơ sở được kiểm tra với 292 mẫu. Kết quả, về nhãn hàng hóa, có 178/292 mẫu (tương đương 61,0%) có nhãn phù hợp quy định, 114/292 mẫu (tương đương 39,0%) không phù hợp quy định về nhãn hàng hóa.
Về thực hiện chứng nhận hợp quy, có 212/292 mẫu (tương đương 72,6%) có dấu hợp quy (CR), 80/292 mẫu (tương đương 27,4%) không có dấu hợp quy, 147/248 mẫu (tương đương 59,3% không có Giấy chứng nhận hợp quy). Thông qua các đợt kiểm tra, Cục QLCLSPHH cũng đã lấy 12 mẫu thử nghiệm. Trong đó, có 03/03 mẫu chất lượng đạt theo QCVN 3: 2009/BKHCN và 09 mẫu đang chờ kết quả thử nghiệm.
Thời gian tới, ông Tuấn cho biết, Cục QLCLSPHH cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan làm tốt công tác kiểm soát chất lượng, các quy định về nhãn hàng hóa, nguồn gốc đồ chơi trẻ em tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, phân phối trên cả nước, góp phần hạn chế việc phát tán, sử dụng đồ chơi có nguy cơ gây hại đến sức khỏe con người.
Ông Trần Quốc Tuấn cho rằng để kiểm soát chất lượng đồ chơi trẻ em cần sự chung tay của nhiều cơ quan, bộ, ngành có liên quan. Ảnh: Huy Hùng
Trước thực trạng còn có những cá nhân, tổ chức cố tình làm sai các quy định khi sản xuất, kinh doanh, phân phối đồ chơi trẻ em, Cục QLCLSPHH cũng đề xuất các Bộ (Giáo dục và đào tạo, Công thương, KH&CN…) cần phối hợp với nhau để ban hành danh mục hàng hóa là đồ chơi trẻ em bị cấm lưu thông trên thị trường (những đồ chơi gây nguy hiểm, đồ chơi bạo lực, đồ chơi ảnh hưởng xấu đến giáo dục thể chất, trí tuệ, tâm hồn trẻ nhỏ).
Bên cạnh đó, đề nghị ngành Giáo dục tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền sâu rộng về tác hại của đồ chơi trẻ em không có nhãn hàng hóa, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không có dấu hợp quy cũng như không được chứng nhận và công bố hợp quy của sản phẩm đến giáo viên, phụ huynh và học sinh tại các cấp học, đặc biệt là ở cấp tiểu học và mầm non, là nhóm lứa tuổi tiếp xúc thường xuyên với đồ chơi để biết cách lựa chọn hàng hóa an toàn, đảm bảo sức khỏe.
0 nhận xét :
Đăng nhận xét