Lợi ích của chứng nhận ISO 9001 dành cho doanh nghiệp

Để đánh giá thực trạng liên quan tới các tiêu chuẩn quốc tế, Ủy ban tiêu chuẩn ISO đã thực hiện khảo sát về các chứng chỉ ISO hợp lệ trên phạm vi toàn thế giới.

Về số lượng, 1.357.241 chứng chỉ hợp lệ đã được ghi nhận trong năm 2019, tăng 3,79% so với năm 2018. Các chứng chỉ phổ biến nhất là chứng chỉ ISO 9001 (quản lý chất lượng), ISO 14001 (quản lý môi trường), ISO 45001 (sức khỏe và an toàn nghề nghiệp), ISO 27001 (bảo mật thông tin), ISO 22000 (an toàn thực phẩm) và ISO 13485 (thiết bị y tế quản lý chất lượng).

Về tốc độ tăng trưởng, tất cả các tiêu chuẩn được đề cập trong cuộc khảo sát đều ghi nhận ​​sự gia tăng về số lượng chứng chỉ so với năm 2018. Trong đó, chứng nhận ISO 45001 có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất (tăng 223.41%), xếp sau đó là chứng nhận ISO 13485 (tăng 18.35%) và ISO 27001 (tăng 13.95%). Lý giải về sự tăng trưởng vượt trội của chứng nhận ISO 45001:2018 trong giai đoạn này là do đây là điểm khởi đầu cho công cuộc chuyển đổi ba năm từ OHSAS 18000 sang ISO 45001. Mặt khác, tháng 2/2019 cũng là thời điểm kết thúc giai đoạn chuyển đổi sang bản sửa đổi ISO 13485: 2016 mới, nên chứng chỉ ISO 13485 có sự gia tăng cao thứ hai trong số các tiêu chuẩn khảo sát. Ngoài ra, việc vi phạm dữ liệu và tấn công mạng ngày càng phổ biến hơn khiến các tổ chức nhận thức được tầm quan trọng của Hệ thống quản lý an ninh thông tin (ISMS), do vậy chứng chỉ ISO 27001 cũng rất được quan tâm trong thời gian này.

Phân tích dữ liệu của Khảo sát ISO cho thấy các quốc gia có số lượng chứng chỉ ISO được cấp nhiều nhất trong năm 2019 là Trung Quốc (chiếm 33,65% trên tổng số chứng chỉ hợp lệ toàn thế giới), Ý (9.16%), Đức (4.97%), Nhật Bản (4.39%) và Ấn Độ (3.80%). Các quốc gia có số lượng chứng chỉ được cấp tăng nhiều nhất bao gồm: Ý, Ấn Độ, Romania, Mexico và Tây Ban Nha. Có thể thấy khi sự cạnh tranh trên thị trường quốc tế trở nên gay gắt hơn, các doanh nghiệp thường tìm cách để tạo thêm lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm của họ thông qua các chứng nhận ISO để trở nên nổi bật hơn trên thị trường.

Top 5 quốc gia đánh mất chứng chỉ nhiều nhất gọi tên: Trung Quốc, Philippin, Nhật Bản, Thụy Điển, Mỹ. Là quốc gia dẫn đầu thế giới về sản xuất, không có gì lạ khi cho đến nay, Trung Quốc vẫn là quốc gia dẫn đầu về số lượng chứng chỉ ISO được cấp. Tuy nhiên, Trung Quốc đồng thời cũng là một trong những nước từ bỏ chứng chỉ nhiều nhất. Cụ thể, Trung Quốc có ít hơn 7434 chứng chỉ vào năm 2019 so với tổng số chứng chỉ trong năm 2018. Điều này có thể được giải thích là do số lượng các công ty Trung Quốc đang làm việc cho thị trường nội địa ngày càng tăng nên họ không quá chú trọng tới các chứng chỉ quốc tế. Việc thu hẹp quy mô kinh tế toàn cầu cũng có thể ảnh hưởng đến các công ty trên toàn thế giới. Đặc biệt, với các công ty nhỏ, họ thường quyết định tập trung vào lợi nhuận (kiếm tiền) và từ bỏ chứng chỉ chất lượng. Một lý do khác cho việc giảm số lượng chứng chỉ có thể là do ngày càng có nhiều tiêu chuẩn dành riêng cho các ngành (chẳng hạn như AS9100, IATF 16949, ISO 22000 và ISO 13485), dẫn đến việc các công ty dần từ bỏ tiêu chuẩn cơ bản dùng chung cho mọi lĩnh vực như ISO 9001.

Hiện nay, chứng nhận ISO bao gồm hơn 40 lĩnh vực công nghiệp khác nhau, với các lĩnh vực hàng đầu là: kim loại & sản phẩm kim loại, xây dựng, bán lẻ & bán buôn, điện tử, máy móc & thiết bị. Trong đó, 3 tiêu chuẩn phổ biến gồm ISO 9001, ISO 14001 và ISO 45001 được ưu tiên sử dụng hơn cả trong các ngành sản xuất và xây dựng.

Có thể nói hầu như doanh nghiệp nào cũng có thể được hưởng lợi từ chứng nhận ISO. Hơn 1 triệu tổ chức tại 165 quốc gia đang sở hữu các chứng nhận ISO là minh chứng cho điều đó. Đồng thời có thể khẳng định rằng chứng nhận ISO không chỉ có lợi cho ngành sản xuất mà còn hữu ích cho các ngành công nghiệp khác. Do đó, chìa khóa thành công là hiểu được mục tiêu của tổ chức và lựa chọn các tiêu chuẩn ISO phù hợp để cải thiện hoạt động của công ty, giảm chi phí và quan trọng nhất là có được khách hàng mới.

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét :

Đăng nhận xét