Mỗi năm, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) đều yêu cầu tất cả các tổ chức chứng nhận phản hồi dữ liệu của họ theo từng quốc gia về 12 tiêu chuẩn: ISO 9001 (Chất lượng), ISO 14001 (Môi trường), ISO 27001 (Hệ thống thông tin), ISO 22000 (An toàn thực phẩm), ISO 45001 (An toàn và sức khỏe nghề nghiệp), ISO 13485 (Thiết bị y tế), ISO 50001 (Năng lượng), ISO 22301 (Tính liên tục trong kinh doanh), ISO 20000-1 (Dịch vụ), ISO 28000 (An ninh chuỗi cung ứng), ISO 37001 (Chống hối lộ), ISO 39001 (An toàn giao thông đường bộ).
Đứng đầu trong danh sách là tiêu chuẩn ISO 9001 về hệ thống quản lý chất lượng. So với năm 2018, số lượng chứng chỉ ISO 9001 đã tăng từ 878.664 lên 883.521 trên toàn thế giới, tăng nhẹ 0,5%. Đây là năm mà phiên bản cũ ISO 9001:2008 chính thức hết hiệu lực, tất cả các chứng nhận hợp lệ đều phải là chứng nhận ISO 9001:2015. Cho đến nay, quản lý chất lượng vẫn là tiêu chuẩn được chứng nhận nhiều nhất trên hơn 1,2 triệu địa điểm. Các quốc gia có số lượng chứng chỉ nhiều nhất lần lượt là: Trung Quốc (281.000), Ý (137.000), Đức (72.000), Nhật Bản (82.500) và Tây Ban Nha (59.000)
Xếp thứ hai là tiêu chuẩn ISO 14001 về hệ thống quản lý môi trường. Sau một thời gian trì trệ, ISO 14001 tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Thế giới có tất cả 312.000 chứng chỉ vào năm 2019 so với 307.000 trong năm 2018. Tại Nhật Bản, Anh, Ý và Tây Ban Nha, số lượng chứng nhận ISO 14001 có xu hướng giảm nhưng ở các quốc gia khác lại có xu hướng tăng: Pháp (tăng 5%), Đức (tăng 10%), Trung Quốc (tăng 15%) so với năm 2018. Ấn Độ là quốc gia có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất với mức tăng 32% (tương ứng với 2000 chứng chỉ) trong hơn 1 năm. Xếp hạng quốc gia có số lượng chứng chỉ ISO 14001 nhiều nhất thế giới cũng có sự biến động so với năm 2018, Hàn Quốc đã lọt vào top 10, trong khi Mỹ tụt từ vị trí thứ 9 xuống 13 trên bảng xếp hạng thế giới. Xây dựng là lĩnh vực đứng đầu trong việc chứng nhận ISO 14001:2015; Số chứng chỉ được cấp cho ngành dịch vụ cũng có sự gia tăng từ 27% lên 34%; Trong khi đó lĩnh vực sản xuất/công nghiệp giảm từ 71% xuống 65% so với năm 2018.
Ở vị trí thứ ba là tiêu chuẩn ISO 27001 về hệ thống quản lý an toàn thông tin. So với năm 2018, số lượng chứng chỉ ISO 27001 đã tăng 14% với tất cả 36.300 chứng chỉ hợp lệ. Điều này cho thấy dữ liệu số có tầm quan trọng hàng đầu, các hệ thống thông tin phát triển nhanh chóng, song song đó là nhu cầu bảo vệ chúng. Tiêu chuẩn ISO 27001 giúp các tổ chức bảo vệ dữ liệu nhạy cảm, ví dụ như đưa ra các biện pháp để ngăn chặn vi phạm bản quyền và đảm bảo tuân thủ GDPR.
Tiêu chuẩn ISO 45001 về sức khỏe và an toàn nghề nghiệp xếp ở vị trí thứ 4. Tiêu chuẩn ISO 45001 mới chỉ ra đời từ năm 2018, nhưng số lượng các tổ chức đã áp dụng nó và thậm chí đạt được chứng nhận ISO 45001:2018 là bằng chứng cho thấy những kỳ vọng to lớn liên quan đến quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp. 12.000 tổ chức đã đạt chứng nhận vào năm 2018 và hơn 38.000 tổ chức đã được ghi nhận vào cuối năm 2019, nhiều hơn gấp ba lần. Số liệu này cho thấy các tổ chức đã có sự chuẩn bị tốt hơn để đối phố với nguy cơ gây ảnh hưởng tới sức khỏe và an toàn nghề nghiệp, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang hoành hành ở nhiều nơi trên thế giới. Dự báo sự tăng trưởng sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới bởi hai lý do. Thứ nhất, bối cảnh đại dịch sẽ làm tăng sự quan tâm đến loại tiêu chuẩn này vì các doanh nghiệp cần bảo vệ sức khỏe của nhân viên và đảm bảo tính liên tục của doanh nghiệp. Thứ hai, việc tiêu chuẩn 45001:2018 thay thế cho OHSAS 18001 đồng nghĩa với việc nhiều chứng chỉ mới sẽ được cấp giúp các tổ chức thích ứng tốt hơn với những thách thức hiện tại.
0 nhận xét :
Đăng nhận xét