Tiêu chuẩn ISO 9001 – Công cụ hữu hiệu trong hành chính công

Tiêu chuẩn ISO 9001 là tập hợp các tiêu chí của một hệ thống quản lý chất lượng đạt chuẩn. Bất cứ tổ chức, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nào cũng đều có thể áp dụng tiêu chuẩn ISO để tối ưu hóa hiệu quả quản lý, từ đó tạo ra các sản phẩm, dịch vụ đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

Chủ trương triển khai tiêu chuẩn ISO 9001 vào hệ thống hành chính công đã được nhà nước quan tâm từ sớm thông qua việc xây dựng bộ TCVN ISO 9001:2008 và Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg về việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước vào ngày 5/3/2014 do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Khi tiêu chuẩn ISO 9001:2015 ra đời thay thế cho phiên bản cũ thì TCVN ISO 9001:2015 cũng được ra mắt tại Việt Nam. Điều đó cho thấy Nhà nước luôn theo dõi, chú trọng và đề cao phương pháp quản lý hiện đại này.

Ngày 9/4/2021, Hội nghị sơ kết tình hình triển khai Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã được tổ chức tại Hà Nội. Hội nghị nhằm tổng kết, đánh giá các kết quả đã đạt được trong việc triển khai tiêu chuẩn ISO 9001 vào hệ thống hành chính công. Đồng thời trao đổi, thảo luận về các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện. Trên cơ sở đó đề xuất kiến nghị để nâng cao hiêu quả của việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng vào hoạt động của cơ quan nhà nước.

Tại hội nghị, ông Huỳnh Thành Đạt - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN nhận định, việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng để nâng cao hiệu quả quản lý và hoạt động của các cơ quan thuộc hệ thống hành chính nhà nước là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, góp phần xây dựng một Chính phủ “liêm chính, tận tâm, tận lực, phục vụ nhân nhân”.

Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ trong suốt thời gian qua, tiêu chuẩn ISO 9001 đã được áp dụng một cách mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ và thống nhất trên phạm vi cả nước. Cụ thể, 20/22 bộ, ngành thuộc đối tượng bắt buộc phải áp dụng đủ điều kiện đạt chứng chỉ ISO 9001:2015 theo quy định. 74/98 cơ quan thuộc đối tượng khuyến khích áp dụng cũng đẩy mạnh xây dựng ISO 9001 trong nội bộ. 62/63 địa phương tuân thủ tiêu chuẩn ISO 9001.

Hệ thống văn bản, tài liệu liên quan cũng được chú trọng biên soạn như: Mô hình khung hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001 cho các cơ quan cấp cao và địa phương. Các cơ sở đào tạo, tư vấn ISO 9001 với những chuyên gia tư vấn, chuyên gia đánh giá và các tổ chức chứng nhận ISO 9001 cũng được hình thành nhằm đáp ứng yêu cầu tư vấn, kiểm tra, chứng nhận của các đơn vị.

Nhờ nỗ lực của Chính phủ và các cấp mà thủ tục hành chính đã được cải cách theo hướng minh bạch và tinh gọn hơn. Cụ thể, hệ thống quản lý chất lượng đòi hỏi cơ quan nhà nước khi giải quyết thủ tục hành chính phải công khai các loại giấy tờ mà người dân phải nộp; Nêu rõ quy trình giải quyết và kết quả, thời gian hoàn thành, đơn giản hóa thủ tục hành chính; Phân định rõ công việc giữa các phòng, ban, tránh chồng chéo, bất hợp lý; Hoàn thiện điều kiện vật chất, cơ sở hạ tầng tại nơi làm việc; Đẩy mạnh công tác đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ; Tạo điều kiện để người dân giám sát thủ tục hành chính theo đúng quy định; Thực hiện sửa đổi, chỉnh lý quy phạm cho phù hợp với thực tiễn khi cần thiết.

Có thể thấy việc áp dụng tiêu chuẩn ISO 9001 ban đầu khá khó khăn nhưng cho tới nay ISO 9001 đã trở thành công cụ hữu hiệu để xây dựng nền hành chính hiện đại

 

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét :

Đăng nhận xét