Hiện nay, trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng diện tích rừng tự nhiên đang bị giảm đi đáng kể. Điều này là do những tác động khai thác lâm sản cả hợp pháp và bất hợp pháp, bên cạnh việc chuyển đổi đất đai lâm nghiệp sang trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng công trình thủy điện, nhà ở …Theo số liệu của FAO – Tổ chức Nông Lương thế giới, hàng năm diện tích rừng tự nhiên trên toàn cầu mất đi khoảng 9 triệu ha ,đến năm 2001 diện tích rừng trên thế giới chỉ còn khoảng 11,3 triệu ha và diện tích đất không có rừng khoảng 8 triệu ha. Điều đó làm thu hẹp môi trường sống của nhiều loài động vật, thực vật rừng.
Nạn phá rừng làm thu hẹp môi trường sống của nhiều loài động vật, thực vật rừng.
Thực tế cho thấy nếu chỉ có các biện pháp truyền thống của Liên Hiệp Quốc và các chính phủ như tăng cường luật pháp, tham gia các công ước thì không thể hoàn toàn bảo vệ được diện tích rừng tự nhiên hiện còn của nhân loại, đặc biệt là các khu rừng nhiệt đới còn xót lại tập trung chủ yếu ở các nước đang phát triển. Một trong những biện pháp quan trọng hiện nay, được cả cộng đồng quốc tế cũng như từng quốc gia đặc biệt quan tâm, kết hợp với các giải pháp truyền thống nêu trên là cần phải thiết lập cơ chế quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng cho các sản phẩm lâm nghiệp đầu ra.
Theo tổ chức Gỗ nhiệt đới Quốc tế (ITTO) thì: “Quản lý rừng bền vững là quá trình quản lý các khu rừng cố định nhằm đạt một hoặc nhiều hơn các mục tiêu quản lý đã được đề ra một cách rõ ràng như đảm bảo sản xuất liên tục những sản phẩm và dịch vụ của rừng mà không làm giảm đáng kể những giá trị di truyền và năng suất tương lai của rừng và không gây ra những tác động không mong muốn đối với môi trường và xã hội”. Trong khi đó theo Tiến trình Helsinki: “Quản lý rừng bền vững là sự quản lý và đất rừng theo cách thức và mức độ phù hợp để duy trì tính đa dạng sinh học, năng suất, khả năng tái sinh, sức sống của rừng và duy trì tiềm năng của rừng trong hiện tại và tương lai, các chức năng sinh thái, kinh tế, xã hội của chúng ở cấp địa phương, quốc gia và toàn cầu và không gây ra những tác hại đối với các hệ sinh thái khác”.
Vậy tổng quan quản lý rừng bền vững là phải đảm bảo bền vững được 3 yếu tố: kinh tế, môi trường và xã hội.
Chứng chỉ rừng là sự xác nhận bằng văn bản – giấy chứng chỉ rằng một đơn vị quản lý rừng được cấp chứng chỉ đã được sản xuất trên cơ sở rừng được tái tạo lâu dài, không ảnh hưởng đến các chức năng sinh thái của rừng và môi trường xung quanh và không làm suy giảm tính đa dạng sinh học
Là “tấm vé” thông hành để bước vào những thị trường các nước phát triển
Trong thế kỷ 21 này, người tiêu dùng, đặc biệt là tại các nước phát triển như Bắc Mỹ hay Châu Âu luôn quan tâm đến nguồn gốc của sản phẩm bên cạnh chất lượng, mà đồ gỗ là một trong nhiều mặt hàng trong đó, thậm chí hiệp hội người tiêu dùng tại Anh, Hà Lan còn có xu hướng tẩy chay sử dụng các loại hàng không có nguồn gốc xuất xứ.
Hiện có hơn 8.000 sản phẩm trên khắp thế giới có dán nhãn của chứng chỉ rừng FSC từ các sản phẩm: bàn gỗ, cửa gỗ, đồ nội thất, từ văn phòng phẩm đến giấy viết. Theo kết quả thống kê nhu cầu sử dụng hàng có chứng chỉ rừng đã gia tăng với tỉ lệ 2-3% mỗi năm ở Anh. Tại Hà Lan có hơn 500 công ty cùng với nhà nhập khẩu gỗ nhiệt đới lớn nhất ở châu Âu và lớn thứ 2 trên toàn thế giới, hiện đã cam kết chỉ mua sản phẩm đã có chứng nhận FSC. Bên cạnh đó, các mạng lưới bán lẻ lớn từ Anh và Mỹ cũng hoạt động với vai trò xúc tác cho những thay đổi bởi họ đang gia tăng yêu cầu cung cấp các sản phẩm từ gỗ đã được chứng nhận.
Một số các công ty lớn tại Châu Âu và Mỹ cam kết ưu tiên sản phẩm lâm nghiệp được chứng nhận như Home Depot (công ty nâng cấp nhà cửa lớn nhất thế giới với doanh thu 30 tỷ USD/năm); Tập đoàn Lowe’s Companies (nhà bán lẻ nâng cấp nhà cửa lớn thứ 2 trên thế giới); B&Q (một trong những nhà bán lẻ nâng cấp nhà cửa lớn ở Anh). Hay như tập đoàn IKEA, một tập đoàn đang hoạt động mạnh tại Việt Nam, đã đảm bảo rằng tất cả các sản phẩm gỗ tại IKEA đều có nguồn gốc từ các khu rừng đã được xác định là quản lý tốt. Bước đầu tiên trong việc đạt được mục tiêu này là yêu cầu tất cả những nhà cung cấp lâm sản thực hiện các yêu cầu tối thiểu sau: Gỗ sử dụng phải được sản xuất tuân thủ theo luật pháp và các quy định về hoạt động lâm nghiệp hiện hành; Gỗ sử dụng không được khai thác từ các khu rừng cổ xưa hoặc có giá trị bảo tồn cao, trừ phi khu rừng đó đã được chứng chỉ theo các nguyên tắc và tiêu chí của FSC hoặc một hệ thống tương tự. Bước thứ 2 để đạt được mục tiêu này là nới rộng các yêu cầu trên đối với các nhà cung cấp sản phẩm lâm nghiệp khác. Để kiểm tra các thành tựu đạt được sau khi thực hiện các bước trên, IKEA sẽ thiết lập một hệ thống cho phép theo dõi hành trình gỗ trong sản phẩm tạo thành đến các đơn vị quản lý rừng cụ thể.
Các sản phẩm gỗ có chứng nhận FSC luôn tạo được thiện cảm trong mắt người tiêu dùng và các nhà bán lẻ hàng đầu thế giới
Như vậy, với việc người tiêu dùng và các nhà bán lẻ hàng đầu trên thế giới đều quan tâm đến nguồn gốc của các sản phẩm lâm nghiệp thì việc đạt được chứng nhận FSC cho các sản phẩm của mình thì các doanh nghiệp xuất khẩu tại Việt Nam sẽ có một tấm vé vững chắc để thâm nhập vào các thị trường lớn và khó tính tại các nước phát triển.
0 nhận xét :
Đăng nhận xét